Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là một trong những vấn đề người lao động cũng như tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập quan tâm ngoài việc tìm hiểu cách làm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp,… Nhằm bảo vệ sức khỏe và thu nhập cho lao động nữ khi sinh con, pháp luật tạo điều kiện tối đa để lao động nữ được hưởng quyền lợi. Đối với lao động nghỉ thai sản thì quyết toán thuế thu nhập cá nhân thế nào? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc trên giúp các bạn.
1. Có được ủy quyền quyết toán thuế khi lao động nghỉ thai sản?
Người lao động được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập khi mang thai nếu cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 (ba) tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm uỷ quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 (mười hai) tháng trong năm (Theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC).
Lao động nghỉ thai sản ủy quyền quyết toán cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập cần thiết làm giấy ủy quyền quyết toán (theo mẫu 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC).
2. Giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho lao động nghỉ thai sản
Cá nhân được giảm trừ gia cảnh cho bản thân và đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Đối với lao động nghỉ thai sản thì việc giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân được cụ thể như sau:
a. Giảm trừ gia cảnh cho bản thân
Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế.
Đối với trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản trợ cấp thì cũng không chịu thuế thu nhập cá nhân.
b. Giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc
Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC; con dưới 18 tuổi là người phụ thuộc của người nộp thuế. Tuy nhiên, để được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc thì người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.
Người lao động nghỉ thai sản được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng có nghĩa vụ nuôi dưỡng (tháng sinh con), nếu lao động nghỉ thai sản đã có mã số thuế và đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc.
Lao động nghỉ thai sản không đăng ký người phụ thuộc cho con mới sinh trước khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân của năm sinh con, thì không được giảm trừ gia cảnh cho con mới sinh vào thu nhập chịu thuế của năm sinh con.
Các trường hợp DN không phải kê khai hàng hóa theo từng hóa đơn
Có thể chỉnh sửa quyết định thông báo phát hành hóa đơn được không?
3. Một số tham khảo thêm về chế độ của lao động nghỉ thai sản
a. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
Lao động nữ được nghỉ sinh con 06 tháng, trường hợp sinh đôi trở lên thì từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Lưu ý:
– Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con;
– Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết và thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng.
– Trường hợp mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.
b. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai
Lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
Thời gian nghỉ này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.